Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Quả bóng vàng FIFA 2015: Ván bài của chính trị

Hôm nay 12/1 Liên đoàn bóng đá thế giới công bố chủ nhân danh hiệu cá nhân hay nhất năm 2014. Nhân dịp này VnExpress trích đăng bài phân tích của chuyên gia Carlo Garganese (Goal) lý giải về những tranh cãi quanh giải thưởng này.

Shevchenko chọn Neuer làm Quả bóng Vàng / Maradona không muốn Ronaldo và Messi đoạt Quả bóng Vàng
“Tôi học được nhiều điều từ Gala trao giải Quả bóng Vàng năm ngoái. Khi tôi vừa bước vào phòng, tôi nói với vợ rằng: ‘Anh thua mất’”, Franck Ribery, cầu thủ đạt nhiều thành tích trong năm 2013, chia sẻ với tờ Bild. “Có rất nhiều thứ liên quan đến chính trị. Tôi thấy cách Sepp Blatter ôm Cristiano Ronaldo, cũng như việc cậu ta mang cả gia đình đến tham dự. Tôi là thằng ngu. Rõ ràng là Ronaldo sẽ thắng giải năm đó”.

Danh thủ Ribery không thể hiểu lý do anh bị trượt Quả bóng vàng 2013. Ảnh: Goal.
Ribery không phải là người đầu tiên than phiền về Quả bóng Vàng, hay trước đây là giải Cầu thủ hay nhất FIFA, mang nặng chính trị. Trong một vài năm gần đây, Jose Mourinho, Zlatan Ibrahimovic, Diego Maradona và ngay cả Ronaldo, Manuel Neuer cũng từng nhắc đến điều này.

2014 là năm gần nhất sự bất cập của Quả bóng Vàng một lần nữa tái hiện. Những HLV, cầu thủ và cả truyền thông có liên quan đến Barcelona và Argentina sẽ ủng hộ Lionel Messi. HLV Carlo Ancelotti, Gareth Bale hay những ai liên quan đến Real Madrid và Bồ Đào Nha chọn Ronaldo. Tương tự như thế với Neuer.

Quả bóng Vàng không biết từ bao giờ, trở thành giải thưởng của sự vận động hành lang, của chiêu trò truyền thông, của người nhà. Trong thâm tâm, những người bỏ phiếu liệu có thực sự nghĩ mình nên bầu cho cá nhân nổi bật nhất, hay là bầu cho người đồng hương, cùng CLB.

Theo kết quả bỏ phiếu năm 2013, HLV và đội trưởng tuyển Italy bầu cho Andrea Pirlo. Didier Drogba chọn người đồng hương Yaya Toure. Diego Lugano dành phiếu cho Luis Suarez... Còn Ronaldo và Messi không hề bầu cho nhau.

Giải thưởng Quả bóng Vàng trở thành một trò chơi mà các bên phải khéo léo sử dụng chiêu trò mới mong có nhiều cơ hội chiến thắng. Và ở đó, sự công bằng đôi khi là điều xa xỉ. FIFA, với đại diện cao nhất là Chủ tịch Sepp Blatter có thể xoay chuyển mọi thứ. Trong giai đoạn từ năm 2009-2012, khi Messi giành bốn Quả bóng Vàng liên tiếp, người ta gọi anh là “con trai của ông Chủ tịch”. Danh hiệu năm 2010 và 2012 mà Messi nhận khiến dư luận bất bình, được xem là “món quà” của Blatter tặng tiền đạo người Argentina.

Đến năm 2013, Blatter và FIFA lại gây sốc khi tự ý dời hạn chót bỏ phiếu, tăng thêm thời gian để bầu chọn cho Ronaldo, người khi đó chiếm hết các trang nhất báo thể thao vì thành tích ghi bốn bàn đưa Bồ Đào Nha vào vòng chung kết World Cup. "Những lá phiếu được điều chỉnh có chủ đích", Chủ tịch Bayern Uli Hoeness khẳng định.

"Bầu chọn Quả bóng Vàng được bầu chọn bởi các huấn luyện viên, đội trưởng và nhà báo thể thao uy tín trong 209 quốc gia. Trên lý thuyết có vẻ là cuộc bỏ phiếu công bằng nhưng đối với tôi đó là cuộc chơi chính trị. Một vài người muốn ủng hộ ông X hay cô Y", Jerome Champagne, người sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ tới phát biểu.

Ronaldo, cầu thủ có nhiều khả năng sẽ nhận giải vào ngày 12/1 sắp tới từng phát biểu đau đớn năm 2012:“Tôi vẫn không thể hiểu tiêu chí lựa chọn. Có năm thì họ bảo là vì phong độ cá nhân. Năm khác họ lại nói là vì danh hiệu”.

Đáng buồn thay, đó luôn luôn là vì chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét